Thứ Năm, 21/11/2024

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Bình tổ chức hội nghị Kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành 9 tháng đầu năm 2023

Thứ Hai, 18/09/2023
Ngày 15 tháng 9 năm 2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Bình đã tổ chức Hội nghị Kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành, đánh giá công tác 9 tháng đầu năm 2023

Tham dự hội nghị có toàn thể công chức, viên chức và người lao động chi cục; đồng chí Vũ Khắc Hiếu – Chi cục trưởng chủ trì hội nghị. Tại Hội nghị thay mặt lãnh đạo chi cục đồng chí Lã Quốc Tuấn – Phó chi cục trưởng báo cáo kết quả công tác chỉ đạo, điều hành, kết quả các nhiệm vụ được giao trong 9 tháng năm 2023

Ảnh: Đồng chí Vũ Khắc Hiếu - Chi cục Trưởng phát biểu

1. Công tác tham mưu, chỉ đạo: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND, Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2023, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã tập trung tham mưu cho lãnh đạo Sở đề xuất với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh 03 văn bản; tham mưu cho lãnh đạo Sở ban hành 13 văn bản trong xử lý, chỉ đạo phát triển sản xuất trồng trọt, phòng chống các đối tượng dịch hại bảo vệ sản xuất vụ Đông xuân; vụ Mùa.

2. Kết quả thực hiện trong các lĩnh vực

- Kết quả sản xuất trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh ước đạt 91,38 nghìn ha đạt 99,3% kế hoạch, giảm 1,19 nghìn ha so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng cây lương thực có hạt đạt 450,11 nghìn tấn, giảm 1,1 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2022.

+ Cây lúa: Diện tích lúa cả năm ước đạt 70.796,6 ha, giảm 425,92 ha so với năm 2022. Sản lượng lúa ước đạt khoảng 433,59 nghìn tấn, giảm 1,28 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2022.

+ Cây Ngô: diện tích ước đạt 4.250,2 ha; sản lượng ước đạt 16,3 nghìn tấn. So với cùng kỳ năm 2022: diện tích giảm 14,77 ha, sản lượng tăng 14,77 tấn.

+ Cây khoai lang: diện tích ước đạt 735,3 ha; sản lượng ước đạt 7,5 nghìn tấn. So với cùng kỳ năm 2022: diện tích giảm 157,9 ha, sản lượng giảm 1,2 nghìn tấn.

+ Rau các loại: diện tích ước đạt 9.864,2 ha, tăng 471,89 ha so với cùng kỳ năm 2022.

+ Cây công nghiệp hàng năm: Cây Lạc diện tích ước đạt 2.193,6 ha; sản lượng ước đạt 6,4 nghìn tấn. Đậu tương diện tích ước đạt 192 ha; sản lượng ước đạt 313 tấn. Cây Mía diện tích ước đạt 400 ha; sản lượng ước đạt 26,03 nghìn tấn.

+ Cây lâu năm: diện tích cây công nghiệp lâu năm (chè): tổng diện tích chè hiện có là 209,5 ha; sản lượng ước đạt 1.568,7 tấn. Cây ăn quả lâu năm diện tích hiện có ước đạt trên 6.769,2 ha (Trong đó diện tích dứa hiện có trên 3.363,9 ha; sản lượng ước đạt trên 68.502,7 tấn).

- Kết quả công tác bảo vệ thực vật: Thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện, dự tính dự báo cũng như hướng dẫn phòng trừ đúng, kịp thời các đối tượng dịch hại trên các cây trồng như: Lúa, rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp. Tổng diện tích nhiễm các đối tượng sinh vật gây hại trên các cây trồng trong 9 tháng đầu năm 2023 là 108.231,6 ha (gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó diện tích nặng là 59.240,1 ha (cao gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2022). Diện tích đã phòng trừ lần 1 là 86.747,5 ha, phòng trừ 2 lần là 2.600 ha. Một số đối tượng gây hại nặng là: sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại, sâu đục thân 2 chấm, bệnh khô vằn… Trong 9 tháng toàn tỉnh đã bắt, diệt được 453.863 con chuột bằng biện pháp thủ công và 171.520 kg ốc bươu vàng; sử dụng 11.147,6 kg thuốc hóa học để diệt chuột. Triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 08/11/2022 của UBND tỉnh về Tổ chức cộng đồng quản lý chuột hại bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2023. Tổ chức cấp phát 5.894,43 kg thuốc diệt chuột Antimice 3DP do UBND tỉnh hỗ trợ cho các huyện, thành phố để kịp thời diệt chuột trong vụ Đông Xuân và vụ Mùa năm 2023.

- Công tác kiểm dịch thực vật nội địa: Đã phối hợp với các phòng, đơn vị chuyên môn để điều tra, theo dõi các đối tượng kiểm dịch thực vật, các đối tượng sinh vật hại trên các giống cây trồng mới được gieo trồng trên địa bàn tỉnh ở vụ đông Xuân, vụ Mùa. Trong 9 tháng đầu năm thực hiện cấp 35 mã số vùng trồng với tổng diện tích 1.194,1 ha. Trong đó: 29 mã vùng trồng lúa chất lượng, lúa đặc sản với diện tích 1004,0 ha; 01 mã vùng rau, củ quả các loại với diện tích 22,25 ha; 01 mã vùng cây sen với diện tích 4,2 ha; 01 mã vùng mía với diện tích 20,0 ha; 01 mã vùng trồng dứa với diện tích 130 ha; 01 mã vùng trà hoa vàng diện tích 6,9 ha; 01 mã vùng trồng Đinh lăng lá nhỏ diện tích 6,9 ha. Tổ chức giám sát 01 Mã số vùng trồng chuối và 01 Mã số cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu sang Trung Quốc. Giám sát 34 cơ sở có mã số vùng trồng nội địa.

- Công tác quản lý vật tư nông nghiệp: Chi cục đã ban hành và triển khai thực hiện 06 quyết định trong đó 02 quyết định thanh tra, 04 quyết định kiểm tra; Trong 9 tháng đầu năm 2023 đã thanh tra, kiểm tra được 106 cơ sở (trong đó 07 tổ chức, 03 HTXNN, 01 HTX trồng trọt, 70 hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp và 25 hộ nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật). Lấy 05 mẫu giống lúa, 19 mẫu phân bón, 15 mẫu thuốc BVTV. Tổng số quyết định xử phạt vi phạm hành chính về vật tư nông nghiệp trong 9 tháng đầu năm là 07 quyết định; số tổ chức, cá nhân vi phạm 05; số tiền xử phạt là 17.500.000 đồng.

- Kết quả công tác đối thoại doanh nghiệp và xúc tiến thương mại: Trong 9 tháng đầu năm 2023, Chi cục đã tổ chức 01 hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong lĩnh vực bảo vệ thực vật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý điều kiện kinh doanh, hội thảo, quảng cáo. Bên cạnh đó lồng ghép công tác đối thoại, giải đáp các kiến nghị, các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong các hội nghị sơ tổng kết vụ Đông xuân, Mùa 2023.

- Công tác cải cách và giải quyết thủ tục hành chính: Chi cục đã tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính đối với 92 hồ sơ. Cụ thể: 08 hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón, 32 hồ sơ cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, 04 hồ sơ về xác nhận nội dung quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, 03 hồ sơ về xác nhận nội dung quảng cáo phân bón, 34 hồ sơ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 11 hồ sơ công bố hợp quy về phân bón.

- Công tác tập huấn, tuyên truyền kỹ thuật: Phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức 56 lớp tập huấn cho nông dân với 4.345 người tham dự với nội dung tuyên truyền hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV, phân bón an toàn hiệu quả trên các cây trồng. Tuyên truyền, hướng dẫn 20 bài trên Đài truyền hình, 06 bài trên Báo Ninh Bình về cấp, quản lý mã số vùng trồng và tập trung phòng trừ các đối tượng dịch hại vụ Đông xuân năm 2023.

- Công tác triển khai các mô hình lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật: Chi cục đã tổ chức thực hiện các mô hình khảo sát, trình diễn một số giống lúa mới có triển vọng phù hợp với từng vùng sinh thái, thử nghiệm áp dụng, đánh giá hiệu quả, kịp thời thay thế giống cũ, thoái hóa, kém chất lượng. Khảo sát đánh giá một số sản phẩm phân bón mới, mô hình các hoạt động cộng đồng giảm thiểu nguy cơ độc hại do thuốc BVTV, Mô hình SRI, Mô hình phòng chống sâu keo mùa thu trên cây ngô, Mô hình quản lý các loại rầy phòng, chống bệnh lùn sọc đen hại lúa, mô hình Quản lý lúa cỏ.

- Công tác nghiên cứu khoa học: Bảo vệ thành công thuyết minh, dự toán và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu, hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật phòng chống sâu keo mùa thu Spodoptera frugiperda J.E. Smith hại ngô phù hợp với điều kiện sinh thái trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”.

- Công tác ứng dụng chuyển đổi số: Chi cục đã phối hợp với Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên (HUSCO) triển khai thử nghiệm Trạm Quan trắc tại xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh; Xã Yên Nhân, huyện Yên Mô; Xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình; Phối hợp với Tập đoàn bưu chính viễn thông VNPT tập huấn cho cán bộ công chức, viên chức trong chi cục tiếp cận, sử dụng hệ thống thông tin ngành nông nghiệp.

Hội nghị còn được nghe ý kiến phát biểu tham luận trong việc triển khai thực hiện của đại diện các phòng chuyên môn thuộc chi cục; các ý kiến đóng góp, đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế trong công tác chỉ đạo điều hành. Hội nghị cũng đã chỉ ra các nhiệm vụ trọng tâm trong 3 tháng cuối năm 2023, cụ thể:

1. Chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thu hoạch nhanh, gọn lúa Mùa 2023 và gieo trồng cây vụ Đông 2023 kịp thời vụ đảm bảo hoàn thành toàn diện các mục tiêu đề ra

2. Thường xuyên cử cán bộ đi cơ sở theo dõi nắm bắt tình hình sản xuất và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, các biện pháp phòng trừ các đối tượng sinh vật hại trên các cây trồng như: Chuột hại, bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn, bệnh lùn sọc đen, rầy các loại, sâu đục thân 2 chấm, sâu cuốn lá nhỏ... trên lúa mùa, các đối tượng dịch hại trên các cây trồng, đặc biệt các đối tượng dịch hại trên các cây trồng vụ Đông 2023.

3. Tiếp tục thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về lĩnh vực phân bón, thuốc BVTV, an toàn thực phẩm và công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về các loại vật tư nông nghiệp đảm bảo có đủ số lượng, chủng loại, chất lượng tốt phục vụ cho việc gieo cấy và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả.

4. Tuyên truyền hướng dẫn cho các cơ sở trồng trọt, người nông dân, cán bộ kỹ thuật, các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, lãnh đạo các xã, phường, thị trấn về sử dụng thuốc BVTV, sử dụng phân bón đảm bảo an toàn, hiệu quả; các biện pháp thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; các văn bản pháp luật có liên quan đến thuốc BVTV, phân bón, giống cây trồng.

5. Tổng hợp nhu cầu chuyển đổi đất lúa của các huyện, thành phố. Tham mưu ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

6. Tiếp tục triển khai tốt Kế hoạch 1604/KH-SNN ngày 08/6/2023 Kế hoạch phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa Mùa năm 2023; Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 8/11/2022 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc Tổ chức cộng đồng quản lý chuột hại bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2023.

7. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng (Đài PT-TH, Báo Ninh Bình,…) nhất là trước khi có đợt dịch hại để bà con nông dân trong tỉnh biết và phòng trừ có hiệu quả.

Nguyễn Hữu Ngọc - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật