Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Đinh Văn Khiêm – Phó giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT Ninh Bình; đại diện các đơn vị thuộc sở: Thanh tra Sở, Văn phòng Sở; phòng Tổ chức; phòng Kế hoạch – tài chính, phòng Nghiệp vụ – tổng hợp. Về dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo chi cục và toàn thể công chức, viên chức và người lao động cuả chi cục.
Ảnh: Quang cảnh hội nghị
Tại Hội nghị thay mặt lãnh đạo chi cục đồng chí Lã Quốc Tuấn – Phó chi cục trưởng báo cáo kết quả công tác chỉ đạo, điều hành, kết quả các nhiệm vụ được giao trong 6 tháng năm 2023, cụ thể:
1. Công tác tham mưu, chỉ đạo: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND, Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2023, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã tập trung tham mưu 10 văn bản trong đó, tham mưu cho lãnh đạo Sở đề xuất với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và tham mưu cho lãnh đạo Sở trong xử lý, chỉ đạo phát triển sản xuất trồng trọt, phòng chống các đối tượng dịch hại bảo vệ sản xuất vụ Đông xuân; vụ Mùa.
2. Kết quả thực hiện trong các lĩnh vực
- Chỉ tiêu giá trị sản xuất: Tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm ước đạt 2.991,3 tỷ đồng, tăng 5,98 tỷ đồng (tăng 0,2 %) so với kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2022.
- Kết quả sản xuất trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh ước đạt 54.638,2 ha cây trồng hàng năm, giảm 598,7 ha so với cùng kỳ năm 2022.
+ Cây lúa: Diện tích lúa cả năm ước đạt 39.631,5 ha giảm 150,8 ha so với năm 2022. Năng suất trung bình ước đạt 66,71 tạ/ha; sản lượng lúa ước đạt khoảng 264.367,4 tấn, giảm 105,8 tấn so cùng kỳ năm 2022.
+ Cây Ngô: 3.113,3 ha; Sản lượng ước đạt 12,1 nghìn tấn.
+ Cây khoai lang: 646,3 ha; Sản lượng ước đạt 6,5 nghìn tấn.
+ Rau các loại: 7.184,6 ha, diện tích giảm 100,2 ha so với cùng kỳ năm 2022.
+ Cây công nghiệp hàng năm: Cây lạc diện tích ước đạt 1.945,9 ha, sản lượng ước đạt 5,9 nghìn tấn; cây đậu tương diện tích 110 ha, sản lượng ước đạt 158 tấn.
+ Cây lâu năm: Diện tích cây công nghiệp lâu năm (chè) hiện có là 209,5 ha, sản lượng ước đạt 1.568 tấn; Cây ăn quả diện tích hiện có ước đạt trên 6,77 nghìn ha (Diện tích dứa hiện có trên 3,3 nghìn ha, sản lượng ước đạt 61,0 nghìn tấn).
- Kết quả công tác bảo vệ thực vật: Thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện, dự tính dự báo cũng như hướng dẫn phòng trừ đúng, kịp thời các đối tượng dịch hại trên các cây trồng như: Lúa, rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp. Tổng diện tích nhiễm các đối tượng dịch hại trên các cây trồng trong vụ Đông xuân 2023 là 38.841,1 ha (bằng 91,7% so với vụ Đông xuân năm 2022). Trong đó, diện tích nặng là 17.823,0 ha (gấp 1,4 lần so với vụ Đông xuân năm 2022). Diện tích đã phòng trừ 1 lần là 33.315,6 ha, diện tích phòng trừ 2 lần là: 4.680 ha. Toàn tỉnh đã bắt và diệt được 239.518 con chuột bằng biện pháp thủ công và 54.900 kg ốc bươu vàng; sử dụng 6.105,6 kg thuốc hóa học để diệt chuột. Triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 08/11/2022 của UBND tỉnh về Tổ chức cộng đồng quản lý chuột hại bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2023. Tổ chức cấp phát 2.367,48 kg thuốc diệt chuột Antimice 3DP do UBND tỉnh hỗ trợ cho các huyện, thành phố để kịp thời diệt chuột trong vụ Đông Xuân 2022-2023.
- Công tác kiểm dịch thực vật nội địa: Đã phối hợp với các phòng, đơn vị chuyên môn để điều tra, theo dõi các đối tượng kiểm dịch thực vật, các đối tượng sinh vật hại trên các giống cây trồng mới được gieo trồng trên địa bàn tỉnh ở vụ đông Xuân, vụ Mùa. Trong 6 tháng đầu năm thực hiện cấp 16 mã số vùng trồng. Trong đó: Vùng trồng lúa chất lượng, lúa đặc sản 14 mã vùng với diện tích 780,3 ha; 01 mã vùng rau, củ quả các loại với diện tích 22,25 ha; 01 mã vùng cây sen với diện tích 4,2 ha. Tổ chức 04 lớp tập huấn về mã số vùng trồng với 400 người tham gia. Tổ chức giám sát 01 Mã số vùng trồng chuối và 01 Mã số cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu sang Trung Quốc.
- Công tác quản lý vật tư nông nghiệp: Chi cục đã ban hành và triển khai thực hiện 04 quyết định trong đó 01 quyết định thanh tra, 03 quyết định kiểm tra; số cuộc đã ban hành kết luận: 04 cuộc. Đã thanh tra, kiểm tra được 64 cơ sở (trong đó: 02 tổ chức, 02 HTX, 46 hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp và 14 hộ nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thưc vật); Số cá nhân vi phạm là 03. Tổng số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành là 03 quyết định, với tổng số tiền xử phạt là 6.000.000 đồng.
- Kết quả công tác đối thoại doanh nghiệp và xúc tiến thương mại: Trong 6 tháng đầu năm 2023, Chi cục đã tổ chức 01 hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong lĩnh vực bảo vệ thực vật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý điều kiện kinh doanh, hội thảo, quảng cáo. Bên cạnh đó lồng ghép công tác đối thoại, giải đáp các kiến nghị, các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong các hội nghị sơ tổng kết vụ Đông xuân, Mùa 2023.
- Công tác cải cách và giải quyết thủ tục hành chính: Đến nay đã giải quyết 54 hồ sơ trong đó 35 hồ sơ về lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật và phân bón (08 hồ sơ về phân bón, 27 hồ sơ về thuốc bảo vệ thực vật), 13 hồ sơ về lĩnh vực quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và 06 hồ sơ lĩnh vực Khoa học công nghệ và Môi trường.
- Công tác tập huấn, tuyên truyền kỹ thuật: Phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức 43 lớp tập huấn cho nông dân với 3.305 người tham dự với nội dung tuyên truyền hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV, phân bón an toàn hiệu quả trên các cây trồng. Tuyên truyền, hướng dẫn 11 bài trên Đài truyền hình, 04 bài trên Báo Ninh Bình về cấp, quản lý mã số vùng trồng và tập trung phòng trừ các đối tượng dịch hại vụ Đông xuân năm 2023.
- Công tác triển khai các mô hình lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật: Chi cục đã tổ chức thực hiện các mô hình khảo sát, trình diễn một số giống lúa mới có triển vọng phù hợp với từng vùng sinh thái, thử nghiệm áp dụng, đánh giá hiệu quả, kịp thời thay thế giống cũ, thoái hóa, kém chất lượng. Khảo sát đánh giá một số sản phẩm phân bón mới, mô hình các hoạt động cộng đồng giảm thiểu nguy cơ độc hại do thuốc BVTV, Mô hình SRI, Mô hình phòng chống sâu keo mùa thu trên cây ngô, Mô hình quản lý các loại rầy phòng, chống bệnh lùn sọc đen hại lúa, mô hình Quản lý lúa cỏ.
- Công tác nghiên cứu khoa học: Bảo vệ thành công thuyết minh, dự toán và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu, hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật phòng chống sâu keo mùa thu Spodoptera frugiperda J.E. Smith hại ngô phù hợp với điều kiện sinh thái trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”.
- Công tác ứng dụng chuyển đổi số: Chi cục đã phối hợp với Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên (HUSCO) khảo sát lựa chọn địa điểm để triển khai thử nghiệm hệ thống ứng dụng công nghệ trạm thời tiết nông nghiệp, tự động trong cảnh báo thời tiết, sâu bệnh. Đến nay đang theo dõi thiết bị và quan trắc thử nghiệm tại HTXNN Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh và HTXNN Liên Phương, xã Yên Nhân, huyện Yên Mô; Phối hợp với Tập đoàn bưu chính viễn thông VNPT tập huấn cho cán bộ công chức, viên chức trong chi cục tiếp cận, sử dụng hệ thống thông tin ngành nông nghiệp.
Hội nghị còn được nghe ý kiến phát biểu tham luận trong việc triển khai thực hiện của đại diện các phòng chuyên môn thuộc chi cục; các ý kiến đóng góp, đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế trong công tác chỉ đạo điều hành; các ý kiến đề xuất trong công tác phối hợp của các đơn vị chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Phó giám đốc Sở yêu cầu đơn vị khắc phục những tồn tại đã được chỉ ra, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác 6 tháng cuối năm 2023, cụ thể:
1. Chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2023 đảm bảo kịp thời vụ, hướng dẫn các địa phương, các hộ sản xuất chăm sóc, phòng trừ các đối tượng dịch hại đúng kỹ thuật, đảm bảo kế hoạch đề ra.
2. Tiếp tục hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 08/11/2022 về Tổ chức cộng đồng quản lý chuột hại bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2023.
3. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động tăng cường thực hiện công tác quản lý vật tư nông nghiệp theo Kế hoạch thanh tra, kiểm tra được Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt.
4. Điều tra, theo dõi, giám sát tình hình sinh vật gây hại trên giống cây trồng nhập nội và các sản phẩm thực vật lưu trữ trong kho.
5. Theo dõi, giám sát rầy lưng trắng di trú mang virus để có kế hoạch chủ động phòng chống bệnh lùn sọc đen vụ Mùa 2023.
Nguyễn Hữu Ngọc - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật
84/2019/NĐ-CP
Quy định về quản lý phân bón62/2019/NĐ-CP
Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa31/2018/QH14
Luật Trồng trọt64/2014/NĐ-CP
Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân41/2013/QH13
Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật42/2013/QH13
Luật Tiếp công dân