Thứ Sáu, 04/10/2024

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Bình tổ chức hội nghị đánh giá công tác 9 tháng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022

Thứ Năm, 13/10/2022
Ngày 13 tháng 10 năm 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Bình đã tổ chức Hội nghị đánh giá nhiệm vụ công tác 9 tháng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Đinh Văn Khiêm – Phó giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT Ninh Bình; đại diện các đơn vị thuộc Sở: Thanh tra Sở, Văn phòng Sở; phòng Kế hoạch – tài chính, phòng Nghiệp vụ – tổng hợp. Về dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo chi cục và toàn thể công chức, viên chức và người lao động cuả chi cục.

Ảnh: Quang cảnh hội nghị

Tại Hội nghị thay mặt lãnh đạo chi cục đồng chí Lã Quốc Tuấn – Phó chi cục trưởng báo cáo kết quả công tác chỉ đạo, điều hành, kết quả các nhiệm vụ được giao trong 9 tháng năm 2022, cụ thể:

1. Công tác tham mưu, chỉ đạo: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND, Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2022, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã tập trung tham mưu 11 văn bản trong đó, tham mưu cho lãnh đạo Sở đề xuất với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và tham mưu cho lãnh đạo Sở trong xử lý, chỉ đạo phát triển sản xuất trồng trọt, phòng chống các đối tượng dịch hại bảo vệ sản xuất vụ Đông xuân; vụ Mùa, vụ Đông.

2. Kết quả thực hiện trong các lĩnh vực

- Chỉ tiêu giá trị sản xuất: Thực hiện Quyết định 369/QĐ-KHĐT ngày 28/12/2021 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc giao chỉ tiêu hướng dẫn kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2022 tập thể cán bộ công chức, viên chức Chi cục Trồng trọt và BVTV đã nỗ lực, chủ động trong triển khai, đôn đốc, hướng dẫn sản xuất nông nghiệp, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng kịp thời, hiệu quả trong vụ Đông xuân, vụ Mùa triển khai thực hiện tốt kế hoạch sản xuất vụ Đông 2022. Từ cơ sở đó sản xuất trồng trọt dự kiến giành được những thắng lợi nhất định, giá trị sản xuất trồng trọt 9 tháng đầu năm và cả năm ước đạt ước đạt trên 4.883,1 tỷ đồng, tăng 0,3% so với năm 2021 hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đặt ra.

- Kết quả sản xuất trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh ước đạt 92,58 nghìn ha đạt 99,5% kế hoạch, giảm 1,28 nghìn ha so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng lương thực có hạt đạt 452,1 nghìn tấn, giảm 10,4 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2021.

+ Cây lúa: Diện tích lúa cả năm ước đạt 71.222,5 ha  giảm 534,9 ha so với năm 2021; Diện tích lúa chất lượng cao chiếm 75% diện tích gieo trồng. Năng suất trung bình ước đạt 61,8 tạ/ha; sản lượng lúa ước đạt khoảng 440,1 nghìn tấn, giảm 4,4 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2021.

+ Cây Ngô: 4.286,8 ha; Sản lượng ước đạt 16,3 nghìn tấn.

+ Cây khoai lang: 893,3 ha; Sản lượng ước đạt 8,8 nghìn tấn.

+ Rau các loại: 9.384,9 ha, diện tích giảm 29,9 ha so với cùng kỳ năm 2021.

+ Cây công nghiệp hàng năm: Cây lạc diện tích ước đạt 2.442,7 ha, sản lượng ước đạt 7,23 nghìn tấn; cây đậu tương diện tích 153,8 ha, sản lượng ước đạt 247,0 tấn; cây mía diện tích ước đạt 399,1 ha, sản lượng ước đạt 26,05 nghìn tấn.

+ Cây lâu năm: Diện tích cây lâu năm đạt trên 7,6 nghìn ha, tăng 1,1% (0,08 nghìn ha) so cùng kỳ năm 2021. Trong đó diện tích cây công nghiệp lâu năm (chè) hiện có là 223,4 ha, sản lượng ước đạt 1.626 tấn; Cây ăn quả diện tích hiện có ước đạt trên 6,9 nghìn ha (Diện tích dứa hiện có trên 3,4 nghìn ha, sản lượng ước đạt 61,0 nghìn tấn tăng 22 nghìn tấn so với năm 2021).

- Kết quả công tác bảo vệ thực vật: Thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện, dự tính dự báo, sát đúng kịp thời các đối tư­­ợng dịch hại trên các cây trồng như­­­: Lúa, rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp. Tham m­­­ưu và tổ chức diệt trừ kịp thời các đối tượng sinh vật hại, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do chúng gây ra. Tổng diện tích nhiễm các đối tượng sinh vật hại trên các cây trồng từ đầu năm đến nay là 77.119,9 ha, trong đó diện tích nặng là 22.423,8 ha (bằng 97,27 % so với cùng kỳ năm 2021), diện tích giảm >70% năng suất là 44,8 ha (gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu là lúa cỏ). Diện tích đã phòng trừ lần 1 là 57.770,9 ha. Một số đối tượng gây hại nặng là: Rầy các loại, lúa cỏ, lem lép hạt… Triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 24/11/2021 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc Tổ chức cộng đồng quản lý chuột hại bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2022, đến nay toàn tỉnh đã bắt, diệt được 417.280 con chuột bằng biện pháp thủ công và 150.600 kg ốc bươu vàng; sử dụng 11.790 kg thuốc hóa học để diệt chuột.

- Công tác kiểm dịch thực vật nội địa: Đã phối hợp với các phòng, đơn vị chuyên môn để điều tra, theo dõi các đối tượng kiểm dịch thực vật, các đối tượng sinh vật hại trên các giống cây trồng mới được gieo trồng trên địa bàn tỉnh ở vụ đông Xuân, vụ Mùa. Thực hiện 01 lần kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng (VN-NBOR-0001) và cơ sở đóng gói (VN-NBPH-001) đối với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.

- Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành: Chi cục đã ban hành và triển khai thực hiện 05 quyết định trong đó 02 quyết định thanh tra, 03 quyết định kiểm tra; số cuộc đã ban hành kết luận: 04 cuộc; số cuộc đang triển khai: 01 cuộc. Đã thanh tra, kiểm tra được 109 cơ sở (trong đó: 06 tổ chức, 02 HTXNN, 62 hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp và 39 hộ nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thưc vật). Số tổ chức, cá nhân vi phạm là 05 (trong đó 01 tổ chức, 04 cá nhân). Tổng số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành là 07 quyết định, với tổng số tiền xử phạt là 29.524.000 đồng.

- Kết quả công tác đối thoại doanh nghiệp và xúc tiến thương mại: Trong năm 2022, Chi cục đã tổ chức 03 hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hỗ trợ xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng; vấn đề liên kết tiêu thụ sản phẩm;…tạo điều kiện kết nối giữa các doanh nghiệp và HTX trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó lồng ghép công tác đối thoại, giải đáp các kiến nghị, các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong các hội nghị sơ tổng kết vụ Đông xuân, Mùa, vụ Đông.

- Công tác cải cách và giải quyết thủ tục hành chính: Đến nay đã giải quyết 33 hồ sơ trong đó 20 hồ sơ về lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật và phân bón (05 hồ sơ về phân bón, 15 hồ sơ về thuốc bảo vệ thực vật), 10 hồ sơ về lĩnh vực quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và 03 hồ sơ lĩnh vực Khoa học công nghệ và Môi trường.

- Công tác tập huấn, tuyên truyền kỹ thuật: Phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức 58 lớp tập huấn kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho 5.900 lượt người tham dự. Tuyên truyền, hướng dẫn 22 bài trên Đài truyền hình, trong đó, thực hiện 13 chuyên mục Bạn nhà nông, 03 lần trên phát thanh, tuyên truyền 06 bài trên Báo Ninh Bình hướng dẫn các biện pháp, kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ có hiệu quả các đối tượng dịch hại trên cây trồng.

- Công tác triển khai các mô hình lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật: Chi cục đã tổ chức thực hiện các mô hình khảo sát, trình diễn một số giống lúa mới có triển vọng phù hợp với từng vùng sinh thái, thử nghiệm áp dụng, đánh giá hiệu quả, kịp thời thay thế giống cũ, thoái hóa, kém chất lượng. Khảo sát đánh giá một số sản phẩm phân bón mới, mô hình các hoạt động cộng đồng giảm thiểu nguy cơ độc hại do thuốc BVTV, Mô hình SRI, Mô hình phòng chống sâu keo mùa thu trên cây ngô, Mô hình quản lý các loại rầy phòng, chống bệnh lùn sọc đen hại lúa, mô hình Quản lý lúa cỏ.

- Công tác nghiên cứu khoa học: Chi cục đã đăng ký và bảo vệ thành công thuyết minh đề tài khoa học “Nghiên cứu, thử nghiệm và hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật phòng chống sâu keo mùa thu Spadoptera frugiperda J.E.Smith hại ngô trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”.

Ảnh: Đại diện lãnh đạo chi cục trình bày báo cáo công tác 9 tháng đầu năm 2022

Hội nghị còn được nghe ý kiến phát biểu tham luận trong việc triển khai thực hiện của đại diện các phòng chuyên môn thuộc chi cục; các ý kiến đóng góp, đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế trong công tác chỉ đạo điều hành; các ý kiến đề xuất trong công tác phối hợp của các đơn vị chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT.

Ảnh: Đồng chí Đinh Văn Khiêm - Phó giám đốc Sở phát biểu tại hội nghị

Kết luận Hội nghị, đồng chí Phó giám đốc Sở yêu cầu đơn vị khắc phục những tồn tại đã được chỉ ra, phát huy những kết quả đã đạt được và tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác 3 tháng cuối năm 2022, cụ thể:

1. Chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thu hoạch nhanh, gọn lúa Mùa 2022 và gieo trồng cây vụ Đông 2022 kịp thời vụ.

2. Thường xuyên cử cán bộ đi cơ sở theo dõi nắm bắt tình hình sản xuất và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, các biện pháp phòng trừ các đối tượng dịch hại trên các cây trồng.

3. Tiếp tục thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về lĩnh vực giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV và an toàn thực phẩm của Chi cục trưởng trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về các loại vật tư nông nghiệp đảm bảo có đủ số lượng, chủng loại, chất lượng tốt phục vụ cho việc gieo cấy và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả.

4. Tuyên truyền hướng dẫn cho các cơ sở trồng trọt, người nông dân, cán bộ kỹ thuật, các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, lãnh đạo các xã, phường, thị trấn về sử dụng thuốc BVTV, sử dụng phân bón đảm bảo an toàn, hiệu quả; các biện pháp thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; các văn bản pháp luật có liên quan đến thuốc BVTV, phân bón, giống cây trồng.

5. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, rà soát, đăng ký thực hiện Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, đặc biệt trong sản xuất vụ Đông.

6. Tiếp tục triển khai tốt Kế hoạch 1353/KH-SNN ngày 17/6/2022 kế hoạch phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa Mùa năm 2022; Kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 24/11/2021 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc Tổ chức cộng đồng quản lý chuột hại bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2022.

Nguyễn Hữu Ngọc - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.