Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 08/11/2022 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc Tổ chức cộng đồng quản lý chuột hại bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2023. Để chủ động phòng trừ, giảm thiểu tác hại do chuột gây ra tới mức thấp nhất, góp phần bảo vệ sản xuất nông nghiệp, ngày 17/2/2023 Chi cục Trồng trọt và BVTV Ninh Bình phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Ninh Bình và Hợp tác xã Nông nghiệp Phong Hoà, xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư tổ chức chuyên mục hướng dẫn các biện pháp diệt chuột trong vụ Đông Xuân 2023 giai đoạn sau khi gieo cấy.
Hiện nay trà lúa xuân sớm đang trong giai đoạn đẻ nhánh đến đẻ nhánh rộ, lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Đối với trà lúa xuân muộn những diện tích đã gieo cấy đang ở giai đoạn bén rễ hồi xanh, diện tích gieo sạ sớm được 2,5-3 lá. Đây là giai đoạn chuột bắt đầu gây hại. Vì vậy trong giai đoạn này chú ý cần sử dụng các biện pháp để diệt chuột, trong đó chú trọng những nơi chuột bắt đầu gây hại. Chi cục Trồng trọt và BVTV hướng dẫn các biện pháp diệt chuột như sau:
1. Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng, phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ bờ ruộng, bờ mương không để đất hoang hóa cỏ mọc um tùm hạn chế nơi cư trú của chuột.
2. Biện pháp thủ công: Đào bắt, hun khói, đổ nước vôi loãng vào hang; sử dụng bẫy bán nguyệt, bẫy sập hoặc dùng đèn có ánh sáng mạnh để soi bắt chuột vào ban đêm…
2.1. Đào bắt
Biện pháp này được tiến hành thường xuyên, liên tục và là biện pháp hiệu quả cao, an toàn cho con người và môi truờng sinh thái. Với biện pháp này cần chú ý sau khi đào bắt hoàn đắp lại không để gây hại về bờ ruộng, bờ mương và các công trình thuỷ lợi.
Ảnh: Người dân đào bắt chuột
2.2. Hun khói
Sử dụng máy hun khói, xác định những hang có chuột, cho nguyên liệu như rơm, rạ, trấu vào bình chứa, đốt lửa ở đáy bình cho nguyên liệu cháy tạo ra khói. Đưa ống dẫn khói (làm bằng nhựa) vào cửa hang sau đó bật mô tơ để hút khói sang bình chứa và thổi khói vào hang chuột. Khi thấy khói bay ra ở ngách hang phụ thì tiến hành lấp ngách đó đi. Sau đó hun khói thêm khoảng 2-3 phút nữa rồi lấp luôn cửa hang chính lại. Chuột bị sặc khói sẽ bị chết trong hang, nếu không lấp hang thì đặt dọ để bắt chuột khi bị sặc chạy ra khỏi hang.
2.3. Bẫy chuột
Sử dụng một số loại bẫy như: Bẫy sập, bẫy bán nguyệt,... trong đó khuyến cáo các hộ nông dân sử dụng bẫy bán nguyệt mang lại hiệu quả diệt trừ chuột cao. Đặt bẫy nơi cửa hang, cạnh hoặc vuông góc với đường đi, nơi có nhiều chuột hoạt động, rắc thêm vật liệu tương tự nơi đặt bẫy chỉ để lộ mồi để tránh sự phát hiện nhậy bén của chuột, nếu bẫy dùng mồi có thể đặt mồi vài ba ngày cho chúng ăn quen mới lắp bẫy; nên đặt bẫy mồi trước khi mặt trời lặn và thu bẫy vào buổi sáng sớm.
Sau khi bắt được chuột, bẫy cơ học cần được xử lý bằng nước sôi hoặc ngâm nước, phơi khô mới dùng lại vì chuột rất nhạy cảm với mùi đồng loại.
Ảnh: Người dân tháo bẫy bắt chuột
3. Biện pháp sinh học
Phát triển đàn mèo, chó, bảo vệ các loài trăn, rắn,...dùng các loại bả sinh học để diệt chuột ở khu dân cư, kho tàng, công sở.
4. Biện pháp hóa học
Sử dụng các hoạt chất: Promadiolone, Coumatetralyl,… có trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam để diệt chuột như: Antimice 3DP, Racumin 0,75TP, Cat 0,25 WP... là nhóm thuốc chống đông máu thế hệ mới gây xuất huyết nội tạng, chuột ăn phải bả sẽ nhanh chóng phá huỷ nội tạng và chết sau 3-5 ngày. Bả thuốc không có mùi, gây chết chậm rất hấp dẫn chuột không làm chuột ngán ăn và tránh bả do thuốc, vì vậy nếu sử dụng đúng kỹ thuật tỷ lệ bả bị chuột ăn rất cao.
4.1. Cách sử dụng
Gói thuốc 10g được trộn đều với 0,3 - 0,5 kg mộng mạ, thóc luộc… (tương đương với 0,3 kg thóc khô), hoặc thóc đã luộc để nguội (thóc luộc 1 giờ cho nứt vỏ trấu, đổ ra cho ráo nước). Mỗi mô bả đặt từ 20-50 gam/mồi, cứ 3-5 mét đặt một bả, đặt từ 5-7 mô bả cho 1 sào bắc bộ. Nếu mật số chuột cao có thể tăng mật độ đặt bả và bổ sung bả vào ngày hôm sau nếu chuột ăn hết bả.
Ảnh: Cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV hướng dẫn người dân cách trộn thuốc và mồi
4.2. Cách đặt bả
- Đặt bả thành mô (20-50g/mô) trên đường đi lại của chuột, gần cửa hang, nơi chuột đang phá hại, bờ mương, bờ máng... cứ 3-5 m đặt một mồi.
- Đặt bả vào lúc trời mát trước khi trời tối, không đặt bả khi trời mưa.
Ảnh: Người dân đặt bả độc diệt chuột ngoài đồng ruộng
Chú ý:
- Trước khi đánh bả độc cần thông báo rộng rãi cho người dân xung quanh vùng biết, cần phải nhốt gia súc, gia cầm cho tới khi vệ sinh sạch sẽ nơi đặt mồi.
- Người trực tiếp trộn thuốc và đặt bả phải sử dụng bảo hộ lao động như đeo khẩu trang, găng tay và dùng muỗng để lấy bả.
- Không đặt bả gần nguồn nước sinh hoạt, trong chuồng trại chăn nuôi.
- Tổ chức thu gom chôn xác chuột chết, thu gom xử lý bao bì thuốc đúng qui định, đảm bảo vệ sinh môi trường.
- Trong trường hợp bị ngộ độc do tiếp xúc với thuốc (ăn, uống thực phẩm có dính thuốc…) phải kịp thời chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Nguyễn Thị Nhung- Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Bình
84/2019/NĐ-CP
Quy định về quản lý phân bón62/2019/NĐ-CP
Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa31/2018/QH14
Luật Trồng trọt64/2014/NĐ-CP
Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân41/2013/QH13
Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật42/2013/QH13
Luật Tiếp công dân