Thứ Năm, 21/11/2024

Bộ Nông nghiệp tổ chức hội nghị triển khai các văn bản QPPL liên quan đến luật Trồng trọt

Thứ Tư, 14/12/2022

Sáng ngày 14/12/2022, Cục Trồng trọt - Bộ nông nghiệp và PTNT phối hợp với báo Nông nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo triển khai Luật Trồng trọt và một số văn bản hướng dẫn Luật Trồng trọt.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 thay thế cho Pháp lệnh Giống cây trồng năm 2004, tuy nhiên khi chuyển đổi cơ chế quản lý làm phát sinh những vướng mắc từ hệ thống pháp luật cũ và mới không đồng nhất, do chưa hiểu hoặc hiểu chưa đúng giữa các đơn vị.

Ảnh: Đại diện Lãnh đạo Cục Trồng trọt phát biểu ý kiến

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các địa phương đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ Đông Xuân ở các tỉnh phía Bắc do đó các ý kiến tại hội nghị của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp chủ yếu tập trung thảo luận về 02 vấn đề liên quan đến quy định của Luật Trồng trọt có có hiệu lực từ ngày 01/01/2023, cụ thể:

Vấn đề thứ nhất là đến hết ngày 31/12/2022, các doanh nghiệp có giống cây trồng phải gia hạn công nhận (khi hết thời hạn 10 năm đối với cây hàng năm) theo quy định của Luật Trồng trọt. Tại hội nghị, các doanh nghiệp đều đề xuất đối với các giống mà doanh nghiệp chưa tiến hành gia hạn theo thời hạn trước 31/12 sắp tới có tiếp tục được phép sản xuất kinh doanh nữa không hay cơ quan quản lý sẽ có giải pháp nào để gia hạn cho các doanh nghiệp tiếp tục được hoàn tất theo quy định. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng việc tiến hành công nhận lại đối với các giống trước đây đã được công nhận là không cần thiết, thủ tục công nhận lại giống cũng phức tạp, tốn kém nhất là công nhận lại đối với các giống lúa đã được xã hội hóa (giống "toàn dân").

Ảnh: Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội nghị

Vấn đề thứ hai là việc sửa đổi bổ sung tiêu chuẩn quốc gia về khảo nghiệm giống lúa. Các đơn vị, doanh nghiệp cho rằng, Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) quy định về khảo nghiệm giống cây trồng vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn cho doanh nghiệp, các tiêu chuẩn khó áp dụng... nhất là để phục vụ việc gia hạn quyết định công nhận lưu hành đối với các giống đã được cấp quyết định.

Đại diện lãnh đạo Cục Trồng trọt cũng đã thông báo tiến độ công tác sửa đổi bổ sung Tiêu chuẩn, đến nay Dự thảo sửa đổi bổ sung TCVN Giống cây trồng nông nghiệp - Khảo nghiệm giá trị canh tác, giá trị sử dụng. Phần 1: Giống lúa đã được xin ý kiến các nhà khoa học, hiệp hội, doanh nghiệp, viện nghiên cứu và chuyên gia và được đăng tải trên website của Cục Trồng trọt và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xin ý kiến rộng rãi đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan trước khi trình các cấp có thẩm quyền ban hành. Đối với những vấn đề khác có liên quan, lãnh đạo Cục Trồng trọt cũng ghi nhận và trình các cấp có thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới để đảm bảo các điều kiện cho sản xuất.

Vũ Thị Kim Dung - Chi cục Trồng trọt và BVTV.